Tuyến đường sắt Nhổn-Ga Hà Nội: Được xây dựng thế nào?

Share on FacebookShare on Google+Tweet about this on TwitterShare on LinkedIn
Cập nhật: 10/29/2019 - Số lượt đọc: 1345

Tuyến đường sắt thí điểm đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (tuyến số 3) có tổng chiều dài 12,5km, trong đó 8,5km đi nổi trên cao; 4km chạy ngầm, với 12 ga ngầm, nổi.

Ngày 7.7 tại Hà Nội, Cơ quan Kinh tế Đại sứ quán (ĐSQ) Pháp đã tổ chức buổi gặp gỡ báo chí dưới sự chủ trì của bà Marie-Cécile Tar¬dieu-Smith, Tham tán kinh tế ĐSQ Pháp tại Việt Nam, thông báo về Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội (đoạn từ Nhổn đến ga Hà Nội - tuyến số 3). 

Tại buổi gặp, các chuyên gia Pháp đã trình bày công tác khảo sát địa chất nhằm mục đích chuẩn bị thiết kế kĩ thuật cho các ga ngầm và các đường hầm thuộc phần ngầm của tuyến và dự kiến tiến độ xây dựng toàn tuyến.

Dự kiến thông tuyến năm 2016

Tuyến đường sắt thí điểm đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (tuyến số 3) có tổng chiều dài 12,5km, trong đó 8,5km đi nổi trên cao; 4km chạy ngầm, với 12 ga ngầm, nổi. Xuất phát tại Nhổn, chặng đường sắt trên cao sẽ qua 8 ga gồm Minh Khai, Phú Diễn, Cầu Diễn, đường Lê Đức Thọ, ĐH Quốc gia, Chùa Hà và Cầu Giấy.

Đoạn sau từ Cầu Giấy tới ga Hà Nội sẽ đi ngầm dưới đất dài 4 km gồm các ga Kim Mã, Cát Linh, Văn Miếu và ga Hà Nội. Dự án tuyến đường sắt thí điểm đoạn Nhổn - ga Hà Nội đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, gồm 9 gói thầu, trong đó, gói thầu số 4 về công trình hạ tầng kỹ thuật depot đã được khởi công từ ngày 25.9.2010, hiện nhà thầu đã triển khai thi công cơ bản xong các công trình phụ trợ.

Chuyên gia Cty tư vấn Systra trình bày quá trình khảo sát địa chất cho dự án Ảnh: Q.H

Các hạng mục chính của gói thầu này đang được thực hiện là ép cọc cho bản cọc đỡ ray, san nền, hệ thống cấp thoát nước và cứu hỏa, đường nội bộ…

Gói thầu số 5 bao gồm các công trình kiến trúc depot thì danh sách nhà thầu đã được phê duyệt, dự kiến sẽ được khởi công trong quý 4.2011. Đối với các gói số 1 (tuyến trên cao) và gói số 2 (ga trên cao), dự kiến khởi công trong quý 2.2012.

Gói thầu số 3 bao gồm hầm và các ga ngầm dự kiến đến quý 3.2012 sẽ triển khai xong công tác đấu thầu. Các gói thầu xây lắp thiết bị số 3, 6, 7, 8, 9 sẽ chọn nhà thầu tư vấn trong quý 3.2011. Gói thầu tư vấn độc lập kiểm tra và chứng nhận an toàn hệ thống đã phê duyệt danh sách các nhà thầu ngắn...

Dự kiến tuyến đường sắt đô thị số 3 sẽ được chính thức vận hành vào ngày 31.12.2016.

 Máy đào hầm TBM Ảnh: T.L

Sử dụng máy đào hầm thế hệ hiện đại nhất

Đoạn đường ngầm từ Cầu Giấy đến ga Hà Nội sẽ gồm 2 làn đường sắt hình trụ chạy ngầm dưới lòng đất với chiều dài gần 4km qua 4 ga, đường kính mỗi làn 6,3m, khoảng cách giữa 2 làn khoảng 16m và chiều sâu của hầm dao động từ 15-30m.

Để có thể lập được mặt cắt địa chất công trình, lựa chọn máy đào hầm theo các điều kiện địa chất và xác định chiều sâu thích hợp cho móng nhằm chọn phương án tốt nhất thi công công trình, đơn vị tư vấn đã thực hiện tổng cộng 26 lỗ khoan thăm dò và dự kiến khoan thêm 59 lỗ trong năm 2011. Chiều sâu của các lỗ khoan nằm trong phạm vi từ 30 m đến 57 m.

Để giảm thiểu phức tạp trong quá trình thi công, tránh ảnh hưởng tới các công trình kiến trúc trên mặt đất và hạ tầng kỹ thuật ngầm của Hà Nội, tuyến đường sắt ngầm dự kiến sẽ chạy ngầm dưới các tuyến phố.

Đặc biệt, máy đào hầm thuộc thế hệ hiện đại nhất hiện nay TBM (Tunnel Boring Machine) sẽ được đưa vào sử dụng thi công đoạn đường ngầm này. Máy đào hầm TBM có cấu tạo như một con sâu khổng lồ.

Đầu cắt của máy là một đĩa tròn trên đó gắn các hộp dao cắt và gầu đào để cắt vụn đất đá và đưa ra ngoài bằng thiết bị vận chuyển là hệ băng tải kết hợp xe goòng. Đặc biệt, TBM có trang bị thiết bị lắp vỏ hầm ngay tại chỗ.

Sau khi máy tiến lên phía trước, thiết bị này sẽ tiến hành lắp vỏ hầm ngay sau đó. Máy hoạt động ngầm dưới lòng đất không ảnh hưởng gì tới các công trình và hoạt động giao thông ở phía trên mặt đất, không cần đào lộ thiên như công trình đường ngầm Kim Liên…

Tại cuộc gặp gỡ, nhiều phóng viên đã nêu vấn đề ngập lụt ở Hà Nội sẽ ảnh hưởng thế nào tới dự án, ông Alain Bechereau, Phó giám đốc Systra cho biết, máy đào hầm TBM hoạt động được trong mọi thời tiết, kể cả mưa to gió lớn.

Để chống nước mưa trong quá trình thi công, đơn vị thi công sẽ tạo các giếng chứa và hệ thống đường ống để rút nước. Đồng thời toàn bộ các công trình ngầm của dự án như làn đường ống ngầm, nhà ga… đã được thiết kế bao gồm các hệ thống thoát nước hiện đại để có thể hoạt động trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt…

Tại buổi gặp, bà Marie- Cécile Tardieu-Smith cũng thừa nhận những khó khăn trong quá trình xây dựng và thực hiện dự án. Chẳng hạn như vấn đề giải phóng mặt bằng và một số vướng mắc về tài chính. Được biết, tổng mức đầu tư cho dự án đã tăng lên khoảng từ 1,5 - 1,7 lần so với ban đầu được duyệt, Ban Dự án đường sắt đô thị Hà Nội (HRB) đang yêu cầu đơn vị tư vấn giải trình về giá các gói thầu và tổng mức đầu tư để tổng hợp báo cáo thành phố và xin chỉ đạo. Ngoài ra, giá của các gói thầu xây dựng tuyến trên cao cũng tăng khoảng 1,6 lần, các ga trên cao tăng 2,71 lần so với mức đã duyệt nên HRB kiến nghị thành phố có phương án thích hợp để triển khai.

 
0977892233
0977892233Facebook: http://Zalo: 0977892233